Tìm hiểu lệ phí trước bạ nhà, đất chỉ còn 0,5%
A mắc nợ tôi hơn 300 triệu đồng và đến giờ vẫn chưa trả. Mới đây, tôi nghe tin A đang chuẩn bị đến phòng công chứng để làm hợp đồng bán nhà.
Chỉ có tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan điều tra… mới có quyền yêu cầu các phòng công chứng không thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch.
1. Xin công nhận quyền sử dụng đất?
Năm 1970, tôi khai phá một miếng đất nông nghiệp và trực tiếp canh tác từ đó đến nay nhưng chưa làm giấy tờ. Gần đây, tôi tự ý xây dựng một căn nhà trên đất thì UBND phường xuống lập biên bản với lý do “xây dựng công trình không phép”. Bấy giờ, một cán bộ phường còn cho biết miếng đất trên là đất công, do phường quản lý. Tôi muốn khiếu nại thì phải làm sao?
Trần Ngọc Lâm (Bình Thuận)
Ông Dư Huy Quang, Phó Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM:
Theo thông tin mà ông nêu trong thư thì cho đến nay, UBND phường cũng chưa có văn bản nào để quản lý số đất trên. Nếu muốn được công nhận quyền sử dụng diện tích đất đã sử dụng trước nay, ông có thể làm hồ sơ xin cấp “giấy đỏ” và nộp tại UBND phường. Nếu cơ quan này có văn bản trả lời đất đó do phường quản lý ông mới có cơ sở nộp đơn khiếu nại đến UBND phường để được xem xét, giải quyết.
2. Đòi tiền mua nhà?
Năm 1998, tôi có đưa cho cha ruột 20 lượng vàng để mua nhà (do cha tôi đứng tên) nhưng không làm giấy tờ gì cả. Thời điểm đó, căn nhà có giá trị 40 lượng vàng. Từ đó đến nay, cha tôi vẫn chưa trả lại cho tôi số vàng trên. Mới đây, cha tôi bán nhà và thu được hơn 200 lượng vàng. Tôi đã đòi cha tôi chia một nửa số vàng này, tương ứng với phần đóng góp trước đây của tôi. Song cha tôi không đồng ý, viện lẽ mượn bao nhiêu thì chỉ trả bấy nhiêu. Nếu kiện ra tòa, tôi có cơ hội được cha chia phân nửa tiền bán nhà hay không?
Nguyễn Thị Ngọc Hoa (Quận Tân Bình, TP.HCM)
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chánh án TAND quận 10, TP.HCM:
Theo những dữ liệu bà cung cấp thì bà không có chứng cứ gì để chứng minh việc hùn vàng mua nhà với cha ruột. Với việc người cha ký hợp đồng mua nhà, đứng tên trên “giấy hồng” và cũng thừa nhận việc vay vàng, nhiều khả năng tòa án sẽ xác định đây là dạng tranh chấp hợp đồng vay tài sản.
Theo Điều 471 Bộ luật Dân sự, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Theo đó, cha của bà chỉ phải trả cho bà số vàng đã vay, cộng thêm lãi suất (nếu có).
3. Giảm 50% lệ phí trước bạ nhà, đất.
Qua báo, đài, tôi được biết Chính phủ đã ban hành quy định mới giảm 50% lệ phí trước bạ nhà ở, đất ở. Thế nhưng vào đầu tháng 8, khi tôi liên hệ với chi cục thuế huyện thì nơi đây lại cho biết lệ phí này vẫn là 1%. Sao kỳ vậy?
Trần Thị Vàng (Tân Thông Hội, Củ Chi)
Ông Nguyễn Yểng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 6:
Cách trả lời nêu trên của Chi cục Thuế huyện không có gì sai cả. Ngày 29-7-2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định 80 để sửa đổi, bổ sung Nghị định 176 ngày 21-12-1999 và Nghị định 47 ngày 12-5-2003 (về lệ phí trước bạ) với nội dung giảm 50% lệ phí trước bạ nhà, đất. Cụ thể, tỷ lệ thu lệ phí trước bạ đối với nhà, đất là 0,5%. Song Nghị định 80 chỉ mới có hiệu lực vào ngày 25-8-2008 gần đây (sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo).
4. Cá nhân có quyền nộp đơn ngăn chặn?
A mắc nợ tôi hơn 300 triệu đồng và đến giờ vẫn chưa trả. Mới đây, tôi nghe tin A đang chuẩn bị đến phòng công chứng để làm hợp đồng bán nhà. Tôi có thể nộp đơn yêu cầu các phòng công chứng không chứng nhận hợp đồng đó hay không?
Một bạn đọc
Ông Hoàng Mạnh Thắng, Phó phòng Công chứng số 7:
Theo các quy định liên quan của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Pháp lệnh Thi hành án dân sự, Luật Nhà ở, Luật Đất đai…, chỉ những cơ quan có thẩm quyền như tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan điều tra, UBND TP và các cơ quan có thẩm quyền cấp “giấy hồng”, “giấy đỏ” trong trường hợp cần thu hồi các giấy chứng nhận đã cấp mới có quyền ra văn bản yêu cầu các phòng công chứng không thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch về một hoặc một số tài sản nhất định.
Bạn cần gửi đơn đến một trong các cơ quan có thẩm quyền nêu trên (ở trường hợp cụ thể của bạn là TAND cấp huyện) để được xem xét, giải quyết quyền lợi.
5. Cấp “giấy hồng” nhà sai phép?
Năm 2002, sau khi mua giấy tay một miếng đất ở, tôi có tự xây cất một căn nhà. Cuối năm 2004, do căn nhà bị hư hỏng nên tôi có xây dựng lại chút đỉnh (tất nhiên cũng là xây không phép). Nay tôi có thể xin cấp “giấy hồng” hay không?
Nguyễn Thị Khanh (Quận 7)
Luật sư Trần Thị Miền, Đoàn luật sư TP.HCM:
Theo khoản 4 Điều 15 Quyết định 54 ngày 30-3-2007 của UBND TP.HCM, nhà ở được xây dựng không phép, sai phép sau ngày 1-7-2004 chưa được cấp “giấy hồng” cho đến khi có quy định mới của UBND TP. Tiếp đó, theo Hướng dẫn 5763 ngày 2-8-2007 của Sở Xây dựng, nhà đã được xây dựng trước ngày 1-7-2004 nhưng có sửa chữa, xây dựng thêm không phép sau ngày 1-7-2004 mà làm thay đổi hiện trạng thì phải chờ quy định mới. Trường hợp phần diện tích vi phạm đã được xử lý và chủ nhà đã chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm xây dựng thì được xem xét cấp “giấy hồng”.
Leave a Reply