Còn nợ tiền đất, có được giao dich hay không?

Phải đợi có hướng dẫn ông mới có thể nộp hồ sơ xin cấp “giấy hồng” cho phần diện tích nhà xây dựng không phép nêu trên.

1. Cá nhân đăng ký thế chấp nhà ở đâu?

Tôi có cho người chị mượn tiền và chị ấy đồng ý thế chấp “giấy hồng” căn nhà của chị ấy cho tôi. Tôi phải liên hệ cơ quan nào để đăng ký việc thế chấp này?

Hoàng Lê Như Ý (Quận 5)

Bà Nguyễn Thị Phấn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận 5:

Theo điểm 1 Mục II Thông tư liên tịch 05 ngày 16-5-2005 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường thì Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện nơi có đất, tài sản gắn liền với đất thực hiện đăng ký thế chấp, bảo lãnh trong trường hợp bên thế chấp, bên bảo lãnh là hộ gia đình, cá nhân trong nước. Việc đăng ký thế chấp được thực hiện khi có yêu cầu của một bên trong quan hệ thế chấp.

Nếu căn nhà mà bà nhận thế chấp nằm trên địa bàn quận 5, bà có thể liên hệ với Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 5 để làm thủ tục đăng ký thế chấp.

2. Có phải đóng tiền sử dụng đất?

Trước năm 1975, cha mẹ tôi có mua miếng đất rộng 200 m2, đến năm 1980 thì xây nhà rộng 100 m2 (phần còn lại để trồng rau) rồi sau đó để lại cho tôi ở. Khi làm thủ tục cấp “giấy hồng”, tôi có phải đóng tiền sử dụng đất hay không?

Lan Anh (Quận Thủ Đức)

Ông Đỗ Đăng Tăng, Phó phòng Tuyên truyền hỗ trợ, Cục Thuế TP.HCM:

Theo khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai, những hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở ổn định, được UBND cấp xã xác nhận không có tranh chấp và có một trong các loại giấy tờ chứng minh đã sử dụng đất trước ngày 15-10-1993 thì sẽ được cấp “giấy đỏ” và không phải nộp tiền sử dụng đất.

3. Trừ nghĩa vụ tài chính khi nhận tiền bồi thường

Nhà tôi rộng 72 m2, xây từ năm 1996 trên đất nông nghiệp đã có “giấy đỏ”. Năm 2000, nhà nước có quy hoạch làm công viên cây xanh. Tôi chưa kịp đi làm “giấy hồng” thì nhà nước đã ra quyết định thu hồi đất. Theo quận thì tôi vẫn được bồi thường theo giá đất ở đối với phần đất có nhà nhưng sẽ bị trừ tiền sử dụng đất chưa đóng. Có đúng vậy không?

Bích Ngọc (Quận 9)

Ông Nguyễn Văn Út, Trưởng Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng quận 9:

Theo khoản 3 Điều 6 Quyết định 17 ngày 14-3-2008 của UBND TP.HCM, trường hợp người sử dụng đất được bồi thường khi thu hồi đất nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định thì phải trừ đi khoản tiền phải thực hiện nghĩa vụ tài chính vào số tiền được bồi thường, hỗ trợ để hoàn trả ngân sách.

Nếu được cấp “giấy hồng”, bà phải đóng tiền sử dụng đất cho phần đất có nhà. Như vậy, khi được UBND quận công nhận phần đất đang sử dụng là đất ở và được tính bồi thường theo giá đất ở, bà phải bị cấn trừ tiền sử dụng đất lẽ ra phải đóng theo quy định trên. Nếu số tiền sử dụng đất phải đóng lớn hoặc bằng tiền bồi thường đất, số tiền bị trừ tối đa bằng số tiền bồi thường đất.

4. Chưa xử lý nhà xây trái phép sau 1-7-2004

Đầu năm 2007, tôi có xây dựng không phép 16 m2 trên miếng đất của tôi (bên trên có đúc giả), không vi phạm lộ giới. Nay tôi có thể xin cấp đổi “giấy hồng” mới cho phần nhà xây dựng thêm đó hay không?

Huỳnh Thắng (Quận 12)

Ông Huỳnh Tấn Việt, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 12:

Theo khoản 4 Điều 15 Quyết định số 54 ngày 30-3-2007 của UBND TP.HCM, trường hợp nhà ở xây dựng không phép, sai phép sau ngày 1-7-2004 được xử lý theo quy định khác của UBND TP trước khi được cấp giấy chứng nhận.

Phải đợi có hướng dẫn ông mới có thể nộp hồ sơ xin cấp “giấy hồng” cho phần diện tích nhà xây dựng không phép nêu trên.

5. Được ghi nợ tiền sử dụng đất

Tôi vừa nộp hồ sơ xin cấp “giấy hồng” cho một căn nhà mua năm 1995. Do chưa có khả năng đóng tiền sử dụng đất nên tôi có thể xin ghi nợ khoản tiền này hay không? Sau khi ghi nợ, tôi có được quyền tặng cho nhà đất đó cho người quen hay không?

Nguyễn Thị Mai (Huyện Bình Chánh)

Ông Nguyễn Yểng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 6:

Theo Điều 7 Quyết định 54 ngày 30-3-2007 của UBND TP.HCM, cá nhân có nhu cầu ghi nợ tiền sử dụng đất có thể ghi nguyện vọng tại đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận hoặc có đơn yêu cầu ghi nợ tiền sử dụng đất (có cam kết thực hiện nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật).

Cũng theo khoản 4 Điều 5 Nghị định 17 ngày 27-1-2006 của Chính phủ, khi hộ gia đình, cá nhân thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất (chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất), tặng cho quyền sử dụng đất đối với người ngoài diện thừa kế theo quy định của pháp luật dân sự (trừ một số trường hợp quy định), hoặc được bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi thì phải nộp cho nhà nước số tiền còn nợ. Các giao dịch đối với đất có giấy chứng nhận còn ghi nợ tiền phải nộp cho nhà nước đều không có giá trị pháp lý.

6. Không thể đòi lại nhà đã bị quản lý

A. từng là chủ sở hữu một căn nhà ở Việt Nam. Năm 1973, A. đi du học và sau đó đã không quay về Việt Nam. Nay A. có thể về nước lấy lại nhà cũ để có nơi dưỡng già hay không?

(tcktp000@hotmail.com)

Luật sư Trần Công Ly Tao, Đoàn luật sư TP.HCM:

Với một số thông tin mà bạn nêu trong thư, nhiều khả năng căn nhà cũ của A. đã bị chính quyền quản lý, xác lập quyền sở hữu của nhà nước theo diện nhà vắng chủ. Theo Nghị quyết 23 ngày 26-11-2003 của Quốc hội và Nghị quyết 755 ngày 2-4-2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà, đất mà nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà, đất và chính sách cải tạo XHCN liên quan đến nhà, đất đã ban hành trước ngày 1-7-1991.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *